MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BỒI DƯỠNG HSG VÀ ÔN THI TỐT NGHIỆP NĂM HỌC 2023 - 2024
1. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi.
Danh sĩ Thân Nhân Trung có câu nói rất nổi tiếng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn” thấm nhuẫn tư tưởng đó Đảng, nhà nước đã thường xuyên quan tâm đến công tác phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng và đào tạo nhân tài. Như chúng ta đã biết, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là một nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước. Nhận thức được nhiệm vụ quan trọng đó nhà trường đã xây dựng kế hoạch ngay từ đầu mỗi năm học.
Trường THPT Thanh Thủy tự hào trong nhiều năm học gần đây chất lượng đội tuyển HSG luôn trong top đầu của tỉnh. Để đạt được thành tích đó là sự chăm chỉ miệt mài của các học trò và sự tận tâm của các thầy cô bồi dưỡng HSG, sự quan tâm động viên chia sẻ của cả hệ thống chính trị trong nhà trường.
Nhà trường luôn coi nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Công việc này có tác dụng rất mạnh mẽ và thiết thực để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên, tạo khí thế hăng say vươn lên trong học tập của học sinh từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn điện góp phần khẳng định tên tuổi của nhà trường.
Để nâng cao chất lượng bồi dưỡng HSG tôi đưa ra một số giải pháp như sau:
Thứ nhất là công tác phát hiện và tuyển chọn học sinh giỏi, việc này cần được giáo viên thực hiện ngay từ đầu cấp học, đối với từng nhóm chuyên môn. Việc phát hiện tuyển chọn đúng học sinh góp phần rất lớn với thành công. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải luôn đồng hành cùng học sinh để cùng nhau khám phá, dạy cho học sinh phương pháp tiếp cận vấn đề mới, qua đó phát hiện học sinh có tư chất thông minh. Chú trọng đánh giá, phát hiện học sinh có tố chất.
Thứ hai là việc xây dựng chương trình bồi dưỡng: Hiện nay có rất nhiều sách nâng cao và các nguồn tài liệu tham khảo khác song chương trình bồi dưỡng HSG thì chưa có sách hướng dẫn chi tiết, cụ thể từng tiết, từng buổi học như trong chương trình chính khoá. Vì vậy việc xây dưỡng chương trình bồi dưỡng là một việc làm hết sức quan trọng và rất khó khăn nếu như chúng ta không có sự tham khảo, tìm tòi và chọn lọc tốt. Đối với cá nhân tôi, thì tôi xây dựng chương trình bồi dưỡng theo từng chủ đề. Mỗi chủ đề được xây dựng theo trình tự sau:
- Mục tiêu của chủ đề
- Kiến thức, kĩ năng cần bồi dưỡng: bao gồm kiến thức cơ bản, kiến thức mở rộng và nâng cao, kĩ năng thực hành cho học sinh.
- Phương pháp giải cho từng dạng bài: có chú ý đến những phương pháp giải khác nhau.
- Bài tập mẫu. Bài tập luyện tập.
- Bài tập cơ bản. Bài tập nâng cao
- Đề kiểm tra hết chủ đề, sau mỗi chủ đề cần rút kinh nghiệm giảng dạy
Tóm lại nội dung, chương trình bồi dưỡng phải rõ ràng, cụ thể về từng mảng kiến thức, chi tiết nội dung nhất thiết phải được sắp xếp từ thấp đến cao, từ dễ đến khó. Có thể chia thành các giai đoạn: Giai đoạn 1 dạy kĩ kiến thức cơ bản dạy chậm để học sinh hiểu bài điều này góp phần rất lớn cho sự thành công ở các giai đoạn sau. Giai đoạn 2 dạy các kĩ năng cơ bản học sinh biết vận dụng kiến thức để làm các dạng bài. Giai đoạn 3 các dạng bài tập nâng cao gắn với thực tiễn. Giai đoạn 4 rà soát lại kiến thức cơ bản với từng học sinh đảm bảo các em nắm vững kiến thức, yêu cầu các em làm lại các dạng câu hỏi đã được học. Với môn tôi giai đoạn này chúng tôi chỉ tập trung kiểm tra kiến thức cơ bản để các em có tâm thế tốt nhất khi đi thi.
Thứ ba là dạy như thế nào cho đạt hiệu quả ? Điều quan trọng nhất trong quá trình dạy học là làm cho học sinh yêu thích môn học, “thổi lửa” khơi dậy, nuôi dưỡng lòng đam mê học tập, khát khao khám phá của học sinh. Mỗi bài dạy, giáo viên luôn tìm nội dung mới mẻ, làm cho học sinh cảm nhận được cái hay, cái đẹp, tầm quan trọng của môn học, khơi dậy trong học sinh niềm đam mê khám phá. Hạn chế việc giáo viên làm thay học sinh những điều mà học sinh có thể làm được.- Đa dạng các hình thức đánh giá: Giáo viên đánh giá học sinh, học sinh đánh giá nhau và học sinh tự đánh giá;
Thứ tư đối với giáo viên dạy và bồi dưỡng HSG: Phải thường xuyên tìm tòi nguồn tư liệu thông qua các phương tiện, đặc biệt là trên mạng internet. Lựa chọn trang Website nào hữu ích nhất, tiện dụng nhất, tác giả có các bài viết hay, khả quan nhất để sưu tầm làm tài liệu…Các thầy cô cần tích cực chủ động nghiên cứu, tìm tòi, khám phá, tận dụng công nghệ thông tin để tích luỹ kiến thức nâng cao trình độ. Lấy nỗ lực của bản thân là chính, coi việc học hỏi vốn kiến thức, kinh nghiệm của các thế hệ đi trước là quan trọng.
Công việc bồi dưỡng học sinh giỏi là công việc khó khăn và vất vả nhưng rất vinh quang. Để có học sinh giỏi đòi hỏi người thầy không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải say mê tâm huyết với nghề
Một số điều Nên tránh:
- Không để HS tâm lý trong thi cử và không nặng thành tích đối với HS dẫn đến HS bị áp lực từ nhiều phía.
- Một số giáo viên mới bồi dưỡng học sinh giỏi, thường hay nôn nóng, bỏ qua bài tập cơ bản, cho ngay bài khó, học sinh không nhận ra được nên bắt đầu từ đâu hoặc việc ghi nhớ từng đơn vị kiến thức kỹ năng dễ lộn xộn hay kết quả là không định hình được phương pháp từ đơn giản đến phức tạp, càng học càng hoang mang.
Tóm lại, bồi dưỡng HSG trong nhà trường là là tiền đề, là cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục.
2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệp.
Kì thi tốt nghiệp THPT là kì thi quan trọng nhất đối với các em học sinh lớp 12. Đây là giai đoạn giúp các em chuyển từ giai đoạn học cơ bản lên gắn với giáo dục nghề nghiệp. Nhận thức được tầm quan trọng của kì thi nhà trường có kế hoạch dài hơi ngay từ khi các em bước chân vào lớp 10.
Trong 2 năm học 2021 - 2022, 2022 - 2023 Trường THPT Thanh Thủy xếp số 1 trong kì thi tốt nghiệp của tỉnh. Để có được thành tích đó là sự nỗ lực học tập rèn luyện ý thức vươn lên của các em học sinh, sự tận tâm của các thầy cô giáo trong BGH, các thầy cô, cán bộ công nhân viên nhà trường nói chung.
Để công tác ôn thi tốt nghiệp đạt hiệu quả theo tôi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa công tác chỉ đạo của Ban giám hiệu, sự vào cuộc của các lực lượng trong nhà trường và của cha mẹ học sinh. Với vai trò là giáo viên trực tiếp giảng dạy tôi xin đưa ra một số giải pháp như sau:
Với GV trực tiếp giảng dạy:
Thường xuyên trao đổi, nâng cao hiệu quả sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn. Trao đổi phương pháp kĩ năng giảng dạy.
Chia giai đoạn ôn thi: giai đoạn 1 ôn kiến thức coa bản. Giai đoạn 2: Dạy các kĩ năng làm bài.
Giai đoạn 1 - Lập nhóm GV dạy lớp 12 để chia sẻ tài liệu và cập nhật thông tin kịp thời.
- Lập kế hoạch ôn tập chi tiết cho từng tuần, từng tháng, phân công GV làm đề cương theo chuyên đề và đề kiểm tra từng tuần bám sát kiến thức SGK và cấu trúc đề thi TN THPT.
Giai đoạn 2:
- Giới thiệu thật kĩ với HS về ma trận đề thi. Phân tích kĩ đề tham khảo của BỘ GD, SGD.
- Phát đề cương ôn tập sớm và giao bài tập theo tuần để HS có thời gian chuẩn bị bài.
Chú trọng đến việc chia các đối tượng học sinh để giao bài tập cho phù hợp.
- Thống kê điểm kiểm tra, tổng hợp lỗi HS hay mắc để rút kinh nghiệm và tăng cường chuyên đề luyện tập.
- Lập bảng theo dõi quá trình ôn luyện của HS.
- Trao đổi với GVCN, CMHS về tình hình học tập của HS, có kế hoạch bổ trợ cho HS yếu.
Với học sinh:
- Ôn luyện với thời gian khoa học. Chuẩn bị cuốn nhật kí luyện thi để rút kinh nghiệm sau mỗi bài làm để xem mình còn thiếu, yếu về phần nội dung, kiến thức hay nhóm nội dung kĩ năng nào. Từ đó, xem lại lí thuyết, rèn luyện các dạng bài tương tự.
- Chuẩn bị tâm lý thi tốt nhất. Nên có chế độ nghỉ ngơi và ôn luyện hợp lí, có tâm thế tốt nhất khi đi thi sẽ đạt được hiệu quả làm bài cao nhất.
Bồi dưỡng học sinh giỏi và ôn thi Tốt nghiệp THPT là hai nhiệm vụ trọng tâm của mỗi nhà trường. Góp phần khẳng định vị thế của nhà trường, xứng đáng với sự tin yêu, gửi gắm của nhân dân, phụ huynh học sinh, sự kì vọng của các em về một tương lai tươi sáng để trở thành một công dân có ích cho xã hội.
Vũ Thị Hải Yến