Năm 2020, do ảnh hưởng của việc phòng chống dịch, bệnh Covid - 19, đồng thời đảm bảo phù hợp với quy định của Luật giáo dục số 43/2019/QH14 và Luật giáo dục Đại học số 34/2018/QH14, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) đã có một số thay đổi so với các năm trước.
Một số điểm mới cơ bản của kỳ thi là: (1) tên gọi của Kỳ thi là thi tốt nghiệp THPT (thay cho tên gọi thi THPT quốc gia); (2) tăng cường tự chủ của các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương; (3) có thêm lực lượng thanh tra các tỉnh, việc thực thi nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ; (4) ban chỉ đạo thi có thêm thành phần là lãnh đạo các huyện, thành, thị; (5) các cơ sở giáo dục đại học không tham gia coi thi, chấm thi; chỉ tham gia các đoàn thanh tra để thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu của Kỳ thi; (6) về Quy chế thi có một số điểm mới so với thi THPT quốc gia, chủ yếu bổ sung các yêu cầu, quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn về quy trình, kỹ thuật nhằm tăng tính bảo mật của đề thi, bài thi, bảo đảm kỳ thi diễn ra nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng.
Mục đích Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT (gọi chung là chương trình THPT); lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.
Bài thi, tổ chức thi 05 bài thi, gồm: 03 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 01 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (KHTN) gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học; 01 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (KHXH) gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT,...
Kỳ thi được tổ chức trong 02 ngày, ngày 09, 10/8/2020; công bố kết quả thi có sự thống nhất trên toàn quốc vào ngày 27/8/2020.
Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Hình thức thi: Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Thời gian làm bài thi/môn thi: Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút; Ngoại ngữ 60 phút; 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp KHTN và KHXH.
Toàn quốc thành lập 64 Hội đồng thi đặt tại 64 tỉnh, thành phố và Cục Nhà trường – Bộ Quốc phòng, với khoảng trên 900.000 thí sinh đăng ký dự thi.
Tỉnh Phú Thọ được thành lập 01 Hội đồng thi do Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ chủ trì; toàn tỉnh có 61 đơn vị có học sinh dự thi (trường THPT: 46, TT KTTH-HN, TT GDTX, TT GDNN-GDTX: 15); dự kiến toàn tỉnh thành lập 37 điểm thi đặt tại các trường THPT; gần 600 phòng thi, với khoảng trên 13.500 thí sinh đăng ký dự thi. Dự kiến lực lượng tham gia làm thi tại các điểm thi là 2.100 người, gồm cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường THCS, THPT, lực lượng công an, y tế, bảo vệ.
Để Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và hiệu quả, Sở Giáo dục và Đào tạo đã và đang tích cực tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên; ban hành Chỉ thị về việc tổ chức các kỳ thi, xét công nhận tốt nghiệp năm 2020; tham mưu cho Ban Chỉ đạo tổ chức các hội nghị về công tác chỉ đạo, tổ chức thi; đồng thời tích cực chủ động chỉ đạo các đơn vị có học sinh dự thi thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, chỉ đạo và kiểm tra các cơ sở giáo dục có học sinh dự thi thực hiện nghiêm túc việc thực hiện kế hoạch dạy học; đánh giá, xếp loại học sinh đảm bảo đúng quy định và chất lượng;
Hai là, tiếp tục tổ chức thực hiện có chất lượng việc đa dạng hóa các hình thức: ôn thi tốt nghiệp THPT tại các trường, trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Phú Thọ; trên Website của Sở Giáo dục và Đào tạo, trên trang Youtube và trang Website Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Thọ, trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam kênh VTV7; hướng dẫn học sinh nâng cao kỹ năng làm các bài thi; tổ chức các kỳ khảo sát chất lượng cho học sinh lớp 12;
Ba là, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, các thí sinh hoàn thiện hồ sơ và các điều kiện dự thi; hướng dẫn học sinh đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển sinh đại học, cao đẳng đúng quy định;
Bốn là, tổ chức tập huấn nghiệp vụ làm thi cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành, lực lượng công an tham gia tổ chức thi; tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong các cấp ủy, chính quyền, người dân về mục đích, ý nghĩa Kỳ thi, về quy chế thi nhằm tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của xã hội cùng tham gia để Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế;
Năm là, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong việc kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị cho Kỳ thi: cơ sở vật chất, thiết bị; chú trọng công tác lựa chọn cán bộ, giáo viên tham gia làm thi; phối hợp với công an rà soát đội ngũ cán bộ, giáo viên (loại trừ và ngăn ngừa những cán bộ quản lý, giáo viên không đủ phẩm chất đạo đức) để giới thiệu tham gia tổ chức các khâu của kỳ thi đảm bảo đúng quy định; xây dựng các phương án đảm bảo an toàn trong điều kiện thiên tai bất thường, phòng chống cháy nổ, hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống cung cấp điện dự phòng, an toàn giao thông,...; quan tâm chăm lo tạo mọi điều kiện cho các thí sinh diện chính sách, hoàn cảnh gia đình khó khăn, thí sinh vùng sâu, vùng xa và vùng khó trong tỉnh đảm bảo cho Kỳ thi được diễn ra an toàn, đúng quy chế.
Với sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo thi; sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả của các sở, ban, ngành, các huyện, thành, thị trong tỉnh; sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; cùng với sự quyết tâm của toàn ngành, Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại tỉnh Phú Thọ sẽ được tổ chức an toàn, đúng quy chế, hiệu quả cao.